logo-thien-duc.png

Banner4.jpg

Chào mừng bạn đến với Phòng chuẩn trị y học cổ truyền Thiên Đức. Kính chúc bạn và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Lịch khám bệnh: Thứ 2 đến thứ 6: từ 17h đến 20 giờ ; Thứ 7, chủ nhật: cả ngày

HỘI CHỨNG ĐƯỜNG HẦM CỔ TAY

Vùng cổ tay (phía trước) có các gân gấp chung các ngón và gấp riêng ngón cái chui qua một đường hầm mà phía sau là khối xương cổ tay, phía trước là một vòng xơ, bọc quanh hai gân là hai bao hoạt dịch, nằm ở chính giữa đường hầm là dây thần kinh giữa. Khi đường hầm này bị bóp nghẹt thì dây thần kinh giữa bị chèn ép gây đau và tê bàn tay, còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay (hay còn gọi là hội chứng ống cổ tay).

Nguyên nhân gây bệnh

Thần kinh giữa bị chèn ép gây đau, tê tay.

Có nhiều nguyên nhân gây hội chứng đường hầm cổ tay, thường là do một số nguyên nhân sau:

- Chấn thương vùng cổ tay, khiến cấu trúc của cổ tay thay đổi.

- Bệnh thấp khớp (có thể khiến bàn tay, ngón tay biến dạng, cong queo), bệnh lupus, bệnh đái tháo đường.

- Thai nghén, bệnh suy tuyến giáp trạng, suy thận cần lọc thận. 

- Các bất thường của những dây gân trong đường hầm cổ tay. 

Ngoài ra còn có thể do đặc thù công việc (cử động cổ tay nhiều, chỉ sử dụng một số cơ bắp nhỏ ở bàn tay liên tục kéo dài, chấn động rung do dụng cụ cầm tay gây nên) như công nhân làm việc trong các dây chuyền công nghiệp, nhân viên đánh máy tính văn phòng,..

Điều trị hội chứng đường hầm cổ tay bằng cách tiêm thuốc vào ống cổ tay.

Triệu chứng chính là đau, tê tay

Thần kinh giữa chạy giữa cẳng tay xuống đến cổ tay. Thần kinh giữa phụ trách việc dẫn truyền cảm giác từ các ngón cái, trỏ, giữa, và một nửa ngón đeo nhẫn của bàn tay. Thần kinh giữa cũng điều khiển các cử động của ngón cái. Trong hội chứng đường hầm cổ tay, thần kinh giữa bị chèn ép khiến bàn tay và cổ tay bị đau, tê.

Các triệu chứng điển hình của hội chứng đường hầm cổ tay như sau: đau nóng, giảm cảm giác, hoặc thấy tê như kiến bò ở các ngón cái, trỏ, giữa và một nửa ngón tay đeo nhẫn. Đau có thể lan lên khuỷu tay, thỉnh thoảng lên đến vai. Xoa nắn bàn tay và các ngón tay, hoặc vẩy vẩy bàn tay giúp ta thấy đỡ hơn. 

Người bệnh thường bị đau tay vào ban đêm khi đang ngủ, vì ban đêm, đường hầm bàn tay dễ sưng, chật hơn ban ngày, thêm vào đó khi ngủ, ta lại hay gập cổ tay, khiến đường hầm càng bóp nhỏ thu hẹp. Lâu dần, triệu chứng xảy ra cả vào ban ngày, sau khi dùng bàn tay để làm việc.

Tê tay cũng thường xuất hiện khi cầm tay lái xe máy đi xa, tay bị đau và tê khiến người đang đi xe máy phải dừng lại buông tay ra, xoa nắn và vẩy vẩy mấy cái, rồi mới đi tiếp được.

Thường thì phần lớn người bệnh bị đau ở bàn tay thuận, phải làm việc nhiều, nhưng cũng có nhiều người bị đau cả hai bàn tay.

 

Phẫu thuật nội soi điều trị hội chứng đường hầm cổ tay.

Bệnh tiến triển nặng khiến bàn tay trở nên yếu ớt, vụng về khi làm những công việc tỉ mỉ như cài cúc áo, xỏ kim,... Triệu chứng nặng hơn khi ta sử dụng bàn tay lâu, như lúc lái xe, viết lách, đọc sách, đánh máy tính, khi thực hiện những hoạt động cần đến bàn tay trong tư thế nắm chặt, hay phải chuyển động các ngón tay và cổ tay liên tục, gấp hoặc ưỡn cổ tay sẽ cảm thấy đau tăng dữ dội. Cuối cùng, ngón cái ngày càng kém sức, bắp thịt phía dưới ngón cái teo nhỏ.

Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ tiến triển thành cơn đau cấp tính hoặc đau kéo dài, đôi khi nghiêm trọng đến mức người bệnh không thể làm được những việc đơn giản trong gia đình vì chức năng bàn tay đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể phục hồi. Khi tiến triển nặng sẽ phải phẫu thuật.

Điều trị sớm hiệu quả cao

Tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp. Ở mức độ nhẹ, người bệnh mới bị đau, tê tay thì chỉ cần dùng các thuốc giảm đau chống viêm uống, hoặc tiêm trực tiếp vào trong ống cổ tay. Bệnh có thể khỏi từ vài tháng đến nhiều năm, tùy thuộc vào việc bệnh được phát hiện và điều trị càng sớm thì thời gian càng khỏi được lâu. Nhưng đối với những trường hợp đã tiến triển nặng, người bệnh thường xuyên bị đau, tê tay, ngón tay bắt đầu yếu sức thì cần phải phẫu thuật để giải phóng dây thần kinh ra khỏi ống cổ tay.

Điều quan trọng là khi thấy có biểu hiện đau, tê tay, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để khám xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị. Việc điều trị sớm sẽ không khó khăn và có hiệu quả tốt. Trong thời gian điều trị người bệnh cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động ở tay có thể làm nặng bệnh. Ngoài ra có thể kết hợp dùng phương pháp vật lý trị liệu để hỗ trợ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.        

Bác sĩ  Trọng Nghĩa

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN Thiên đức

Địa chỉ: Phòng 316 - CT36 TOWER  , 326 đường Lê Trọng Tấn, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: 0913 079 073

Email:bsphananbvvncb@gmail.com

Thiết kế website: VGROUP