logo-thien-duc.png

Banner4.jpg

Chào mừng bạn đến với Phòng chuẩn trị y học cổ truyền Thiên Đức. Kính chúc bạn và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Lịch khám bệnh: Thứ 2 đến thứ 6: từ 17h đến 20 giờ ; Thứ 7, chủ nhật: cả ngày

Tỏi cô đơn có phải là "thần dược" chữa ung thư?

Tỏi cô đơn có khác với tỏi thường?

Trên đảo Lý Sơn có một loại tỏi gọi là tỏi cô đơn hay tỏi độc thân, tỏi một nhánh.  Loại tỏi này không phải là loại tỏi có một giống riêng biệt hay trồng đại trà được. Theo lời các cư dân trồng tỏi trên đảo Lý Sơn thì trong một vụ thu hoạch trên cùng một thửa ruộng, cứ 600kg tỏi thông thường thu hoạch thì sẽ có khoảng 2kg tỏi cô đơn trong đó.

Tỏi cô đơn là tỏi chỉ có một nhánh độc nhất trong một cây tỏi trong khi đó các cây tỏi khác thì một cây sẽ cho ra nhiều nhánh tỏi. Như vậy Tỏi cô đơn với tỏi thông thường không có sự khác nhau về nguồn gốc và thổ nhưỡng, chỉ là trong quá trình sinh trưởng và phát triển cho ra một nhánh tỏi đơn độc mà thôi. Vì vậy tỏi cô đơn và tỏi nhiều nhánh có cấu tạo và đặc tính giống nhau hoàn toàn.

“Thần dược” chỉ là đồn thổi

Từ  xa xưa ông cha ta đã có rất nhiều kinh nghiệm dùng thực phẩm có tác dụng  bổ dưỡng và tác dụng phòng và điều trị một số bệnh thông thường. Tỏi là một vị thuốc dân gian có tác dụng phòng và điều trị bệnh rất tốt, đặc biệt là tỏi có nguồn gốc được trồng trên đảo Lý Sơn.

Tuy nhiên, về cấu tạo và đặc tính của tỏi cô đơn không khác gì các loại tỏi thường. Không nên tin vào các lời đồn thổi vô căn cứ mà tin rằng tỏi có thể chữa được bách bệnh. Về công dụng của tỏi, xin được giải thích với bạn đọc như sau:

Theo y học cổ truyền tỏi có tên khoa học là Allium Sativuml, thuộc họ hành. Tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc, có tác động vào 2 kinh là kinh can và kinh vị; có tác dụng tán hàn, giải độc, sát trùng, trừ phong, thông khiếu, tiêu nhọt, tiêu đờm.  Trong lâm sàng tỏi có tác dụng làm hạ mỡ máu, đặc biệt là giảm cholesterol bằng cách tăng đào thải cholesterol và làm giảm hấp thụ cholesterol xấu qua màng ruột, từ đó làm giảm mỡ máu. Trong tỏi có chứa chất Allicin liallyfide giống như một kháng sinh  phổ rộng có tác dụng ức chế vi khuẩn và sát trùng rất tốt. Trong tỏi còn chứa các hợp chất S-allyl cysteine, diallyl disulfide và diallyl tresulfide có khả năng giúp cơ thể tăng cường miễn dịch.

Tỏi còn có khả năng giúp cho hệ thống tiêu hóa hoạt động được tốt hơn do tỏi có tác dụng diệt được các vi khuẩn sinh hơi ở ruột nên người ăn tỏi thường xuyên sẽ không bị cảm giác đầy tức hơi ở bụng .

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Viện ung thư Mỹ thì tỏi có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Xin bạn đọc đặc biệt lưu ý, khi bệnh nhân đã mắc căn bệnh ung thư rồi thì chưa có tài liệu nghiên cứu nào cho thấy kết quả diệt được tế bào ung thư.

Ăn nhiều tỏi cũng không tốt

Chú ý: Chúng ta cũng không vì những tác dụng phòng bệnh rất tốt của tỏi mà ăn quá nhiều tỏi. Nếu ăn quá nhiều tỏi trong một ngày sẽ làm cho cơ thể bị tán khí, dẫn đến hiện tượng cơ thể mệt mỏi và khó chịu, buồn bực.

Cách sử dụng tỏi hợp lý nhất là ăn mỗi ngày từ một đến hai nhánh tỏi. Duy trì việc này lâu dài sẽ có tác dụng giảm được nguy cơ mắc các bệnh xơ vữa thành mạch do tăng cholesterol máu, giảm nguy cơ ung  thư dạ dày, bệnh đường tiêu hóa và tăng được sức đề kháng, miễn dịch và giảm được nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, virut đặc biệt là virut cúm.
 

Bác sĩ Phan Văn An
Trưởng khoa Đông y - BV Việt Nam - CuBa

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN Thiên đức

Địa chỉ: Phòng 316 - CT36 TOWER  , 326 đường Lê Trọng Tấn, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: 0913 079 073

Email:bsphananbvvncb@gmail.com

Thiết kế website: VGROUP